Cô gái Nùng với khát vọng nâng tầm giá trị Hồng vành khuyên
- Người viết: hongtreogiolangson@gmail.com lúc
- Tin tức
VOV.VN - Tận dụng lợi thế từ nguồn nguyên liệu sẵn có tại địa phương là quả Hồng vành khuyên, chị Vương Thị Thương, thị trấn Na Sầm, huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn đã quyết định khởi nghiệp, đầu tư xưởng sản xuất và bước đầu thành công với sản phẩm “Hồng vành khuyên treo gió” theo công nghệ Nhật Bản.
Với những thành công bước đầu của sản phẩm “Hồng vành khuyên treo gió”, chị Vương Thị Thương đã góp phần nâng cao giá trị, nâng tầm sản vật của địa phương. Đặc biệt, chị là tấm gương cho nhiều phụ nữ mong muốn khởi nghiệp từ sản vật của địa phương, làm giàu cho quê hương. Đây cũng nhằm thực hiện mục tiêu xây dựng các mô hình khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số thuộc Dự án 3 về phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng miền để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị trong Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030.
Sau hơn 1 năm triển khai, đến nay, sản phẩm hồng treo gió của chị Thương đã đưa ra thị trường một số tỉnh thành, sản xuất đến đâu bán hết đến đó với doanh thu gần 1,5 tỷ đồng; tạo việc làm và tiêu thụ nông sản cho hàng chục hộ dân ở trong xã, giúp người dân yên tâm sản xuất.
Trong một góc xưởng làm “Hồng vành khuyên treo gió” Toàn Thương, chị Vương Thị Thương, dáng người nhỏ nhắn, đôi bàn tay nhanh nhẹn đang treo từng quả hồng lên giàn phơi. Những quả hồng màu vàng cam được gọt sạch sẽ, cột chặt bằng dây cước và treo thành từng giàn.
Chị Vương Thị Thương cẩn thận treo những quả hồng vành khuyên lên giàn phơi
Chị Thương chia sẻ: "Hồng quê tôi là hàng hóa chính để đem lại thu nhập cho bà con. Hằng năm có sản lượng 8.000 tấn/năm. Nhưng năm thì được mùa mất giá và thị trường bấp bênh làm cho bà con chặt phá đi rất nhiều. Tôi nghĩ mình phải nâng tầm giá trị quả hồng vành khuyên như vậy sẽ đem lại giá trị lớn cho người dân, để bà con từ cây hồng có thể giúp xóa đói giảm nghèo và tạo thu nhập ổn định cho bà con nên tôi đã quyết định bước ra khỏi vùng an toàn, từ bỏ công việc làm giáo viên để trở thành người thu mua hồng cho bà con, xuất ra các tỉnh thành và làm hồng treo gió".
Những ngày đầu khởi nghiệp, khó khăn mà chị Thương gặp phải là tìm ra quy trình chuẩn cho hồng treo gió và đã không ít lần chị phải bỏ hàng trăm kgHồng vì thời tiết thay đổi. Nhưng với quyết tâm nâng tầm giá trị hồng vành khuyên, chị Thương đã tìm hiểu và học kinh nghiệm, kỹ thuật trồng, chăm sóc và chế biến hồng treo gió ở Đà Lạt và một số nước khác, rồi chị Thương lựa chọn ứng dụng công nghệ Nhật Bản vào sản xuất.
"Tôi đã phải bỏ đi rất nhiều kg hồng, thậm chí là có lúc tôi có ý định bỏ cuộc nhưng mà nhìn thấy bà con mọi người đang rất hy vọng vào một sản phẩm mới nên tôi đã cố gắng hết mình để đưa sản phẩm này khoác trên mình một chiếc áo mới. Đó chính là Hồng vành khuyên treo gió. Tôi cũng có áp dụng các khoa học kỹ thuật hiện đại vào sản xuất từ khâu chế biến, gọt vỏ thì cũng có sử dụng máy gọt vỏ và sử dụng máy sấy máy xử lý nhiệt, nhà kính, máy hút chân không… tất cả các máy móc hiện đại; kết nối được với các chuyên gia về bảo quản để có quy trình làm cho chất lượng sản phẩm tốt hơn", chị Thương cho biết.
Sau hơn 1 năm triển khai, đến nay, sản phẩm hồng treo gió của chị Thương đã đưa ra thị trường một số tỉnh thành, sản xuất đến đâu bán hết đến đó với doanh thu gần 1,5 tỷ đồng
Chị Vương Thị Thương cũng mạnh dạn thành lập Hợp tác xã nông nghiệp Toàn Thương, bao tiêu sản phẩm cho 10 hộ dân trồng hồng vành khuyên trên địa bàn xã, tạo việc làm cho hàng chục người lao động. Trung bình mỗi tháng xuất bán 500 tấn hồng tươi, phân phối tại các địa phương miền Bắc. Vui mừng khi Hợp tác xã nông sản Toàn Thương sản xuất “Hồng treo gió” và đã ký hợp đồng thu mua hồng với giá cao ổn định hơn.
Chị Hoàng Thị Thúy, ở xã Hoàng Việt, huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn cho biết: "Gia đình có 600 gốc hồng vành khuyên, mỗi vụ quả cho thu hạch khoảng 15 tấn. Trước giá cả thị trường bấp bênh, bây giờ có xưởng, tôi ký được hợp đồng bây giờ giá ổn định, chăm sóc quả đẹp, sản lượng được nhiều hơn, giá cả được nhiều hơn so với các năm khác mình không phải lo hôm nay thương lái về mua hay không, đấy là cái thuận lợi của nhà vườn. Tôi cảm thấy rất vui".
Từ đầu vụ hồng vành khuyên năm 2022 đến nay, sản phẩm Hồng treo gió của chị Vương Thị Thương được cung cấp ra thị trường trên 500 kg. Sản phẩm hồng treo gió được bán với giá cao 300.000 đồng/kg, trong khi giá hồng tươi chỉ có 15.000 đồng/kg, mà sản xuất đến đâu bán hết đến đó với doanh thu gần 1,5 tỷ đồng. Để quảng bá sản vật địa phương, chị Thương đưa từng quả hồng vào bao bì nhỏ chứa thông tin 12 di tích lịch sử nổi tiếng tương ứng với 12 địa phương của Lạng Sơn; đưa sản phẩm Hồng vành khuyên treo gió quảng bá trên sàn thương mại điện tử, các mạng xã hội như: Facebook, Youtube…
Theo bà Lô Thị Kim Oanh, Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Văn Lãng: Sản phẩm hồng vành khuyên treo gió của cửa hàng nông sản Toàn Thương đã được huyện lựa chọn tham gia gian hàng của huyện tại các dịp trưng bày sản phẩm của địa phương, tại hội chợ…và nhận được nhiều phản hồi tích cực. Hướng tới xây dựng sản phẩm hồng vành khuyên treo gió là sản phẩm tiêu biểu của địa phương, đồng thời tiếp tục hỗ trợ cơ sở tiếp cận với các nguồn vốn vay ưu đãi để đầu tư mở rộng sản xuất, chế biến.
Đến nay, “Hồng vành khuyên treo gió” của chị Vương Thị Thương đã có mặt tại nhiều tỉnh thành trên cả nước
Bà Lô Thị Kim Oanh cho biết: "Khi HTX mới thành lập thì chúng tôi đã định hướng để tiếp cận nguồn vốn theo Nghị quyết 08 của Hội đồng nhân dân tỉnh. Ngoài ra, phòng cũng hỗ trợ về kết nối thì quy trình sản xuất này. Mẫu quảng bá hiện tại bây giờ thì phòng hướng tới xây dựng sản phẩm hồng trước đó như trở thành sản phẩm OCOP trong năm 2023. Chúng tôi cũng đã hỗ trợ hợp tác xã thực hiện chuẩn hóa bao bì đối với sản phẩm hồng cái khuyên cho gió".
Hiện tại, “Hồng vành khuyên treo gió” của chị Vương Thị Thương đã có mặt tại nhiều tỉnh thành trên cả nước, nhưng khát khao lớn hơn của chị là phát triển thương hiệu “Hồng vành khuyên treo gió” ra thị trường thế giới.
"Mong muốn của tôi trong tương lai đó là xuất khẩu đem sản phẩm người Việt vươn tầm thế giới, những sản phẩm đặc sản của quê hương đặc sản của vùng miền sẽ là góp phần bảo tồn và nâng tầm giá trị sản phẩm đặc sản của quê hương. Hiện tại thì thị trường Hồng treo gió chủ yếu là tại miền Bắc sẽ định hướng trong 2024 là phủ sóng khắp toàn quốc và 2025 thì sẽ xuất khẩu sang các nước lân cận như Thái Lan và Trung Quốc" - chị Thương bày tỏ.